1. Phân loại
– Tên phổ thông: Ba kích tím
– Tên khoa học: Morinda officinalis How, 1958
– Họ: Cà phê (Rubiaceae)
– Tên khác: Ba kích thiên, dây ruột gà; Chẩu phóng xì, Thau tày cáy (Tày); Chồi hoàng kim, Sáy cáy (Thái); Chày kvằng dòi (Dao).


2. Công dụng và giá trị kinh tế
Công dụng
Theo Y học cổ truyền: Ba kích có vị ngọt, hơi cay, tính ấm vào kinh thận. Có tác dụng ôn thận dương, mạnh gân cốt, trừ phong thấp, chữa cao huyết áp, sử dụng làm thuốc bổ thần kinh trí não, làm mạnh gân cốt, tăng lực, chữa chứng xơ cứng động mạch, thấp khớp và đặc biệt là chữa bệnh bất lực ở nam giới…
Trên thị trường hiện nay, ba kích được sử dụng ở 2 dạng sản phẩm phổ biến là củ Ba kích khô để làm thuốc và rượu Ba kích ngâm tươi hoặc khô làm rượu thuốc.
Giá trị kinh tế
Hiện nay Ba kích là sản phẩm rất được ưa chuộng trên thị trường. Giá bán hiện nay khoảng 250.000- 300.000 đ/kg củ tươi.
3. Phân bố
Ba kích chủ yếu phân bố ở vùng núi thấp, trung du phía Bắc. Bao gồm các tỉnh Quảng Ninh, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa. Hiện nay Ba kích còn được trồng nhiều ở Quảng Nam (huyện Nam Trà My, Tây Giang).
4. Đặc điểm hình thái
Cây thân thảo, sống lâu năm, leo bằng thân quấn, thân non mầu tím, có lông, phía sau nhẵn. Cành non, có cạnh.
Lá mọc đối, hình mác hoặc bầu dục, thuôn nhọn, cứng, dài 6-14cm, rộng 2,5-6cm, lúc non mầu xanh lục, khi già mầu trắng mốc. Lá kèm mỏng ôm sát thân.
Hoa nhỏ, lúc non mầu trắng, sau hơi vàng, tập trung thành tán ở đầu cành, dài 0,3-1,5cm, đài hoa hình chén hoặc hình ống gồm những lá đài nhỏ phát triển không đều. Tràng hoa dính liền ở phia dưới thành ống ngắn. Ba kích thường ra hoa vào cuối tháng 5 và nửa đầu tháng 6. Hoa quả tập trung ở các đầu cành. Cánh hoa đính liền nhau, màu trắng.
Quả hình cầu, khi non có màu xanh thẫm như màu lá già, khi chín chuyển từ màu xanh sang màu hồng nhạt rồi sang đỏ, mang đài còn lại ở đỉnh. Mùa hoa: tháng 5-6, mùa quả: tháng 7-12. Ba kích tím có củ hình ruột gà, lõi củ màu tím.
5. Điều kiện gây trồng
* Phạm vi
Ba kích là cây có phân bố rộng, thích hợp với hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc đến Miền Trung và Tây Nguyên. Ở những nơi có điều kiện gây trồng đáp ứng yêu cầu sau.
* Khí hậu
– Nhiệt độ trung bình năm: 22-230C.
– Lượng mưa trung bình năm: trên 1.100mm.
– Độ ẩm không khí trung bình: trên 80%.
* Địa hình, đất đai
– Độ cao: Miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ: Thích hợp trồng ở độ cao dưới 300m so với mực nước biển. Nam Trung bộ và Tây Nguyên: Thích hợp trồng ở độ cao có thế tới 600m.
– Độ dốc: <25o.
– Đất đai: đất feralit giàu mùn màu đỏ vàng trên núi thấp; cũng có thể trồng trên đất màu đỏ sẫm phát triển trên đá bazzan. Đất ẩm mát, cao, tốt nhất là đất đồi feralit giàu mùn. Tầng đất dày ≥ 80cm, tầng đất mặt có màu nâu hoặc xám đen, đất có thành phần cơ giới trung bình hoặc thịt nhẹ, tơi xốp, thoát nước tốt, độ ẩm cao, đất chua pH từ 3,6-4,1, hàm lượng mùn từ trên 3,7%, hàm tổng số các chất trong đất là đạm (N ≥ 0,34mg/100g đất ) và lân (K2O ≥ 0,7mg/100g đất).
* Thực bì
Ba kích trồng thích hợp những nơi có rừng tự nhiên nghèo, rừng phục hồi, đất trống có cây bụi, cây gỗ rải rác, nương rẫy mới, vườn hộ cây ăn quả hay cây công nghiệp nhưng còn tính chất đất rừng và độ tàn che từ 0,2-0,3.
6. Sản xuất cây giống
6.1. Chọn giống
Giống Ba kích (quả và hom) được thu hoạch từ các cây mẹ từ 5 năm trở lên, có sinh trưởng phát triển bình thường, cây mẹ khỏe mạnh và đã có củ cho năng suất cao, kiểm tra củ của cây mẹ bằng cách bới lớp đất quanh gốc và quan sát các rễ phình ra (củ) nếu cây có nhiều rễ củ, to đều là đạt yêu cầu.
6.2. Nhân giống
a) Nhân giống từ hom thân:
– Chọn hom giâm: hom thân chọn từ các nhánh bánh tẻ của cây mẹ 5 tuổi trở lên. Cắt thân thành nhiều đoạn hom, mỗi hom dài 15 – 20 cm, có từ 1 – 3 lóng gồm 2 – 4 mắt, cắt bỏ hết lá.
– Mùa vụ giâm hom: Mùa vụ giâm hom hợp lí nhất của ba kích là tháng 2- 4 dương lịch, thời tiết bắt đầu ấm và ẩm, cây chuẩn bị bật chồi. Nhiệt độ thích hợp cho hom ra rễ từ 20-25OC.
– Chất khích thích ra rễ: thuốc kích thích thường được sử dụng là IAA, IBA…có nồng độ 1.000 ppm.
– Cắt hom: dùng dao cắt hom giâm, cắt đến đâu đem giâm đến đó.
– Cấy hom: hom sau khi xử lí thuốc kích thích ra rễ được cấy vào bầu giâm đã được tưới đủ ẩm, chiều sâu cắm hom khoảng 4-5 cm. Cấy xong cần tưới nhẹ bằng nước sạch. Sau khi cấy 7-10 ngày tiến hành cấy dặm vào bầu có cây chết. Bầu cấy bằng polyetylen có đáy, kích thước bầu 9 x 14 cm. Thành phần ruột bầu gồm: 93% tầng đất mặt + 5% phân chuồng ủ hoai, 2% supe lân.
– Giữ ẩm cho hom giâm: dùng nilon che kín vòm, hàng ngày tưới phun đều và đủ ẩm.
– Che sáng: Làm giàn che để che nắng cho cây bằng lưới nilon đen có độ che sáng 75%.
– Tưới nước: trong 30 ngày đầu sau khi cấy, nếu trời khô hanh cây mầm cần được tưới nước 2 lần/ngày. Sau đó tưới 1 lần/ngày (tuỳ theo điều kiện thời tiết cụ thể). Trước khi đem đi trồng 10-15 ngày thì ngừng tưới.
– Làm cỏ, phá váng thường xuyên 15-20 ngày/1 lần.
– Đảo bầu: đối với cây con được nuôi dưỡng trong bầu, sau 3 tháng, cần phân loại, xếp cây có cùng kích thước vào một luống để có chế độ chăm sóc thích hợp, trước khi đem trồng 15-30 ngày cần đảo bầu.
b) Nhân giống từ hạt
– Thu hái hạt giống
+ Khi quả chín cuối tháng 11 và chín rộ vào tháng 12 (tính theo dương lịch) thì thu hái, chọn những quả chín đỏ, không nên hái lẫn lộn quả xanh và chín dẫn tới ảnh hưởng xấu đến tỷ lệ nảy mầm và chất lượng cây con.
+ Quả sau khi hái cần chọn những quả to, đẹp, loại bỏ những quả nhỏ xấu, quả quá xanh, sau đó quả được ủ trong bao tải một tuần cho chín thêm rồi cho quả vào rổ, ngâm trong nước, xát bỏ vỏ quả, lấy hạt và rửa sạch lớp thịt của hạt. Phơi hong hạt trong bóng râm khoảng 5-7 ngày rồi mới gieo ươm.
– Gieo hạt: Trước khi gieo xử lý hạt trong nước ấm 40o (2 phần nước sôi, 3 phần nước lạnh) trong 4-5 giờ, hạt sau đó vớt ra có thể gieo trong các khay cát, trên luống hoặc trực tiếp vào bầu.
Trên nền luống đã làm sẵn, dùng bay hay cuốc lưỡi nhỏ rạch ngang trên mặt luống. Các rạch cách nhau 10-15cm, rộng từ 3-5cm, sâu 2-2,5cm. Nếu thấy đất khô thì tưới nhẹ cho đủ ẩm rồi rắc hạt đều trên rạch. Sau đó lấp đất bột kín hạt. Gieo xong, tưới nước nhẹ trên luống. Dùng ràng ràng hoặc rơm rạ phủ đều trên mặt luống. Có thể làm dàn che bằng phên nứa hay lưới nilon.
Cũng có thể gieo hạt trực tiếp vào bầu. Chuẩn bị bầu đất tương tự bầu ươm hom. Sử dụng bầu polyetylen có đáy hoặc không đáy kích thước 8x12cm. Thành phần ruột bầu gồm đất ở tầng mặt đập nhỏ trộn với 20% phân chuồng ủ hoai + 2% phân lân (theo khối lượng). Bầu đóng xong xếp vào luống trên nền đất cứng. Mỗi bầu gieo từ 1 hạt. Dùng que tạo lỗ sâu 2-2,5cm thả hạt vào các hố lấp kín đất. Gieo xong tưới nước và che các luống đặt bầu.
Từ lúc gieo đến khi nảy mầm trong vòng 1,5-2 tháng hạt bắt đầu mọc. Nếu gieo hạt trên luống, khi cây con có 2 lá mầm thì đem cấy vào bầu.
– Chăm sóc cây con:
+ Trong thời gian 1-2 tháng đầu, sau khi cấy cây con phải tưới nước nhẹ mỗi ngày 1 lần. Khi cây đã ổn định 2-3 ngày tưới nước 1 lần, những ngày trời mưa đất ẩm không phải tưới.
+ Làm cỏ, phá váng thường thường theo định kỳ 7-10 ngày 1 lần. Dùng bay hay cuốc nhỏ xới nông toàn diện và nhặt hết cỏ. Đối với cây cấy trong bầu dùng thanh tre để xăm, tạo cho đất tơi xốp thoáng khí và thoát nước. Định kỳ 2 -3 tháng tiến hành đảo bầu, phân loại cây con để tiện chăm sóc kết hợp xén rễ.
+ Khi cây con có 3 cặp lá cần bón thúc cho cây. Phân bón có thể tổng hợp nhiều loại gồm 70-80% phân chuồng hoai với 20-30% phân lân tán nhỏ trộn đều sàng trên mặt luống 1-2kg/m2 rồi tưới rửa nhẹ.
– Phòng trừ sâu bệnh:
+ Giai đoạn cây con ở vườn ươm thường xuất hiện sâu bệnh hại. Khi phát hiện thấy sâu bệnh nhất là bệnh lở cổ rễ, vàng lá cây khô héo chết thì phải nhổ và đốt hết những cây nhiễm bệnh đồng thời phun thuốc boóc đô 0,5% lên tất cả các luống. Có thể phun tổng hợp cả 2 loại thuốc cùng lúc pha lẫn là boóc đô 0,3-0,5% + benlát 0,1%. Lượng phun 0,1lít/m2
+ Giai đoạn làm cỏ, phá váng hay chăm sóc cho cây con tránh làm cây tổn thương. Đây là nhân tố để nấm có cơ hội thâm nhập. Không bón phân tươi chưa ủ hoai, vì đó cũng là môi trường thuận lợi cho việc xuất hiện bệnh trong vườn.
6.3. Tiêu chuẩn cây con đem trồng
– Đối với cây con gieo ươm từ hạt: cây cao 20-25cm, đường kính gốc 2-2,5mm, có 4-6 lá, cây khỏe mạnh không sâu bệnh.
– Đối với cây con từ hom: cao 20-40cm, đường kính gốc 2-2,5mm hoặc lớn hơn, có từ 6-8 lá, bộ rễ dài 5-10cm, cây khỏe mạnh không sâu bệnh.
7. Kỹ thuật trồng
7.1. Phương thức trồng
+ Trồng dưới tán cây khác:
– Trồng ba kích dưới tán rừng nghèo, rừng khoanh nuôi phục hồi. Đối với rừng nghèo chỉ còn cây bụi lúp xúp, lau chít tùy thuộc vào điều kiện thực tế của gia đình và hiện trạng rừng mà trồng theo băng, hay theo đám. Nếu trồng theo băng, phát sạch và dọn sống băng trồng rộng 1-1,5m. băng chừa để lại rộng từ 2-3m.
– Trồng ba kích dưới tán cây trong vườn rừng, vườn cây ăn quả có lỗ trống hoặc tán thưa có thể trồng ba kích để tận dụng diện tích. Chuẩn bị đất có thể đào hố hoặc cày bừa kĩ lên luống như luống trồng khoai để trồng cây.
+ Trồng nơi đất trống:
Phương thức này trồng với quy mô lớn, diện tích rộng trên các sườn đồi hay những nơi đất bằng phẳng.
Nơi đất trống và đất đã canh tác nhiều vụ, đánh bỏ hết gốc lau chít, chè vè, cỏ dại. Giữa 2 hàng trồng Ba kích nên trồng một hàng cây phù trợ. Biện pháp này nhằm cải tạo đất và ngăn ngừa sự rửa trôi, xói mòn, che nắng gắt và là giá đỡ cho dây Ba kích leo bám.
Trồng trên sườn đồi không cần lên luống. Trồng nơi đất bằng phẳng nên vun đất thành luống. Luống cao hay luống thấp tùy theo địa hình cao hay thấp để tránh ngập úng cho cây trồng.
7.2. Thời vụ trồng
Ở các tỉnh phía Bắc trồng vào 2 vụ: Vụ Xuân tháng 2, 3 và Hè thu tháng 8, 9.
Ở các tỉnh Miền Trung trồng vào tháng 8-11
Ở các tỉnh Tây Nguyên trồng vào tháng 7-9
7.3. Mật độ trồng
+ Trồng dưới tán cây khác: mật độ từ 2.500-3.000khóm/ha, tức các hàng cách nhau 3 m, các khóm cách nhau 1m.
+ Trồng nơi đất trống: Trồng với cự ly cây cách cây 1m, hàng cách hàng 2m. Mật độ 5.000 cây/ha.
7.4. Xử lý thực bì
Phát thực bì theo băng rộng 1m hoặc quanh hố đường kính 1m, dọn sạch thực bì sang bằng chừa.
7.5. Làm đất
Cục bộ, cuốc hố có kích thước 50x50x30cm. Đất cuốc lên đập nhỏ, để riêng đất mặt và đất đáy trên miệng hố phơi cho đất khô ải 1 tháng rồi lấp hố, kết hợp bón 5-10kg phân chuồng ủ hoai/hố để tạo đất ẩm và tơi xốp, bước này phải làm xong trước khi trồng 1 tháng. Trong băng chừa nên trồng bổ sung cây phù trợ tốt nhất là cây thuộc họ Đậu làm giá thể cho dây Ba kích leo bám.
7.6. Trồng
– Dùng cuốc đào một lỗ nhỏ giữa hố, khơi rộng lòng hố vừa đủ rộng và sâu hơn kích thước bầu cây đem trồng, xé và lột bỏ vỏ bầu, tránh không được làm vỡ bầu.
– Đặt cây thẳng đứng trong lòng hố, miệng bầu thấp hơn miệng hố 1cm.
– Dùng tay hay cuốc cuốc lấp đất nhỏ xung quanh bầu và nén chặt vừa phải sao không làm vỡ bầu đất, vun lớp đất xung quanh cao hơn cổ rễ 3-5cm.
7.7. Chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại
a) Chăm sóc
Các công việc chăm sóc gồm làm cỏ xới đất quanh gốc, vun vét luống để tạo điều kiện trao đổi khí làm đất tơi xốp đất, giữ ẩm thúc đẩy cho cây sinh trưởng nhanh. Tùy theo tình hình thực tế mà xới đất nhiều lần trong năm, ít nhất từ 5 lần trở lên trong 2 năm đầu. Đến năm thứ 3 khi khóm đã định hình tán lá phát triển rộng thì việc xới đất sẽ giảm đi.
Bộ rễ củ là phần quan trọng chủ yếu của cây ba kích. Cây có sinh trưởng tốt thì rễ củ mới phát triển mạnh. Do đó bón lót tập trung lúc trồng để cung cấp dinh dưỡng lâu dài cho cây là yếu tố cần thiết. Từ năm thứ 2 bón bổ xung thêm 3 kg phân chuồng + 0,3 NPK/khóm. Kết hợp với xới cỏ để lấp phân.
– Làm giá đỡ cho dây Ba kích leo bám:
Do cây ba kích là loại dây leo nên cần làm trụ đỡ cho dây leo bám, nếu dây không leo được lên tầng trên quang hợp ánh sáng sẽ sinh trưởng kém, còi cọc, củ ít và nhỏ. Trụ giàn cho cây leo có thể là cây sống hay bằng tre, gỗ, nứa.
Nếu trồng dưới tán rừng, tán vườn thì những cây làm giá đỡ là cây bụi, cây cỡ nhỏ hoặc cây phụ trợ …làm chỗ dựa cho dây Ba kích bám và leo lên.
Nếu trồng ba kích nơi đất trống cần làm giàn cho dây leo, vật liệu làm giàn nên chọn những loại không mục ải vì thời gian sử dụng lâu, tán dây Ba kích leo bám rất nặng. Có thể dùng tre, dóc cắm xiên như giàn dưa chuột nhưng cũng có thể làm ngang giống giàn bầu bí.
b) Phòng trừ bệnh hại
Theo kết quả giám định của Viện Bảo vệ thực vật, nấm Fusarium spp là tác nhân gây bệnh vàng lá, thối rễ trên cây Ba Kích. Nên sử dụng một số chế phẩm sinh học đối kháng với nấm gây bệnh vùng rễ để phòng, chống.
7.8. Khai thác
Theo kinh nghiệm của nhân dân, củ ba kích có chất lượng tốt phải có từ 5 -7 năm tuổi trở lên.
Sự thay đổi màu của thịt củ biến đổi theo năm. Từ năm thứ nhất đến năm thứ 5 khác biệt nhau rõ rệt. Khi củ từ màu vàng hồng chuyển dần sang màu tím, lõi hóa gỗ là củ đã già. Lúc đó khai thác sử dụng tốt và có giá trị thương phẩm cao.
Thu hoạch : Đào khai thác củ ba kích tốt nhất vào tháng 12 và tháng giêng. Đây là thời kỳ cây tạm dừng sinh trưởng và cũng là lúc thu hái quả xong. Khi thu hoạch củ nên tận dụng phần dây bánh tẻ của những cây có năng suất cao để làm hom giống.
Củ già 4kg tươi sẽ cho 1kg khô, củ non 5kg –6kg tươi mới cho 1kg khô.
7.9. Sơ chế, chế biến và bảo quản
– Sơ chế, chế biến:
Củ thu gom về rửa sạch, phân loại A, B và C loại A có đường kính 1,2cm trở lên. loại B có đường kính từ 0,8-1cm. Hai loại này có giá trị thương phẩm cao hơn. Loại C là những củ có đường kính dưới 0,7cm.
Nếu chế biến Ba kích thành mặt hàng xuất khẩu phải làm theo tiêu chuẩn của khách đặt hàng. Nếu chế biến để dùng và bán ra thị trường thông thường bẻ thành đoạn và dung kìm rút phần lõi cứng của củ rồi đem sấy hoặc phơi trong bóng râm cho đến khô.
Chế biến rượu Ba kích bằng cách ngâm trực tiếp củ Ba kích tươi hoặc Ba kích phơi khô, tỉ lệ ngâm 50-60g/lít rượu trắng 450, sau 30 ngày rượu chuyển sang màu tím nếu ngâm tươi hoặc màu đỏ sậm nếu ngâm khô, có mùi vị đặc trưng của Ba kích, lọc trong và có thể dùng được.
Củ ba kích còn được chế biến công nghiệp thành các sản phẩm là rượu và cao. Hai loại chế phẩm này đang được lưu hành trên thị trường nước ta.
– Bảo quản: Độ ẩm củ khô đưa vào bảo quản còn lại 12~15% được coi là khô kiệt và cho vào túi nilon buộc kín miệng túi, có thể cất trữ lâu dài không bị mốc.